Kinh nghiệm xin học bổng du học tự túc

Sau một thời gian dài 'vật lộn' với đống hồ sơ, giấy tờ cuối cùng mình cũng đã thuận lợi xin được học bổng xin được visa đi du học kì tháng 9 này (9/2019). Có nhiều bạn hỏi mình đã tiến hành theo quy trình ra sao nên hôm nay mình làm bài tổng hợp chia sẻ lại cho những ai quan tâm.
Quy trình gồm các bước như sau:

  1. Tìm học bổng.
  2. Apply.
  3. Xin visa.

Bước 1: Tìm học bổng.


       Nếu bạn chưa biết thì hầu như tất cả các trường ở Hàn Quốc đều có học bổng cho sinh viên nước ngoài. Các mức học tổng thường từ 30 - 100%, có những trường sẽ cho bạn học bổng toàn phần tức bao gồm tiền học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Vậy nếu bạn muốn đi du học nhưng điều kiện tài chính gia đình hạn hẹp hãy chuẩn bị cho mình bộ CV thật đẹp để xin học bổng, nếu gia đình bạn thuộc diện dư sức để bạn có thể tung hoành nơi đất khách thì việc giành học bổng cũng giúp bạn chứng tỏ răng lực bản thân mà. Người ta đã cho tội gì không lấy, phải không? :))
       Dù học bổng rất quan trọng nhưng bạn cần chú ý lựa chọn ngành học mà mình yêu thích thay vì chỉ chăm chăm đến học bổng cao. Vì sao ư, đa phần các học bổng được cho vào kì đầu tiên và bạn cần có điểm tích lũy đủ ở mức bao nhiêu đó để có thể duy trì nó. Do vậy nếu đó không phải là ngành mà bạn thích rất khó để bạn có thể đạt điểm cao. Bạn nên tìm học bổng theo quy trình sau:


  • Tìm ngành học mình yêu thích: Bạn cần xem xét xem mình muốn học về cái gì rồi tìm ngành học tương xứng ở Hàn.
  • Tìm các trường có đào tạo ngành đó: Sau khi khác định được ngành học bạn có thể lên Naver rồi tìm các trường có ngành đó. Ví dụ :'외국인을 위한 한국어 교육 전공이 있는 대학'
  • Nghiên cứu học bổng của từng trường rồi tiến hành chọn lựa: Bạn cần vào trang chủ của các trường, tải 모집요강 tức thông báo tuyển sinh năm gần nhất của trường rồi nghiên cứu xem chế độ học bổng của trường ra sao. Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp một số tiêu chí để tiến hành loại trừ tìm ra trường phù hợp nhất.
Ví như mình thì một số tiêu chí mình đặt ra là:
- Ngành 'giáo dục tiếng Hàn cho người nước ngoài' hoặc 'ngôn ngữ Hàn'.
- Trường tầm trung., top 1% (trường ưu tiên visa)
- Trường gần Bucheon.
- Học bổng tốt (dễ duy trì).
          Thông thường học bổng sẽ tỉ lệ thuận với cấp bậc topik của bạn. Do đó hãy cố gắng để thi được topik 5,6 trước khi đi du học không chỉ giúp bạn xin được học bổng mà còn giúp bạn tiếp thu kiến thức ở trường tốt hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí học tiếng bên đó nữa. Ngoài ra 1 tip cho bạn là người Hàn rất chuộng tiếng Anh nếu bạn có cả chứng chỉ tiếng Anh thì tỉ lệ đỗ hồ sơ của bạn rất cao chưa kể còn có thể xin thêm học bổng nữa. Ví như trường của mình cho cao nhất 50% học bổng thôi nhưng có 1 chị có bằng tiếng anh nên đã xin được tới 70% học bổng lận.
          Có một cách nữa mà bạn có thể tìm kiếm học bổng đó là nguồn học bổng giáo sư (giáo sư sẽ chi trả học phí, bảo lãnh visa, hỗ trợ sinh hoạt phí cho bạn). Loại học bổng này chủ yếu thuộc các ngành cơ điện, công nghệ thông tin, dược hóa sinh... và việc tìm kiếm thì ở trên các page liên quan đến 'học bổng giáo sư'. Học bổng này bạn sẽ liên hệ và apply trực tiếp với giáo sư thông qua thông tin liên lạc được đính kèm. Thường thì học bổng này sẽ yêu cầu bạn phải giỏi tiếng Anh thay vì tiếng Hàn.
          Ngoài ra cái này khá khó nhưng nếu bạn thuộc dạng thành tích khủng thì có thể săn học bổng chính phủ, hoặc học bổng của các tổ chức đoàn thể khác. Theo dõi thông tin tại studyinkorea.go.kr.



Bước 2: Apply

 Bạn đã chọn được trường ưng ý vậy tiếp theo đây chúng ta sẽ chuẩn bị hồ sơ. Tùy thuộc bạn sang đó học tiếng, học đại học hay học thạc sĩ, tiến sĩ .. mà hồ sơ của bạn sẽ khác nhau. Chi tiết thì bạn có thể xem trên 모집요강 kì trước của trường và chuẩn bị theo. Đấy là đối với các trường thường, với học bổng giáo sư, học bổng chính phủ hay các tổ chức khác thì bạn cần chuẩn bị theo giấy tờ mà họ yêu cầu. Về cơ bản chúng ta cần có các giấy tờ sau:

  1. 입학원서 (Đơn đăng kí học): Cái này khi nào trường mở đăng kí bạn lên web trường đăng kí thông tin họ sẽ cấp cho bạn đơn đăng kí hoàn tất, bạn đi in ra là được.
  2. 이력서 (Sơ yếu lí lịch): Cái này cũng phải chờ khi mở đơn trong 모집요강 sẽ có mẫu bạn tải xuống, điền thông tin sau in ra.
  3. 학업계획서 (Kế hoạch học tập): Tương tự 이력서 mỗi trường sẽ có mẫu và yêu cầu riêng. Nếu bạn đi học tiếng thì không yêu cầu quá cao tuy nhiên nếu bạn học chuyên ngành tức đại học hoặc cao học thì đây là yếu tố rất quan trọng quyết định xem bạn có được nhận hay không. 
  4. 졸업증명서 (Bằng tốt nghiệp): Thông thường nếu người ta sẽ yêu cầu bằng cấp cao nhất của bạn. Tức là nếu bạn xin học đại học bạn cần chuẩn bị bằng cấp 3, nếu bạn xin học cao học bạn cần chuẩn bị bằng đại học. Tuy nhiên tùy từng trường người ta có thể yêu cầu bạn nộp cả bằng cấp 3 lẫn bằng đại học luôn.
  5. 성적증명서 (Bảng điểm/Học bạ): Tương tự mục 4
  6. 토픽 자격증 (Chứng chỉ topik): Bạn tự tin từ topik.go.kr xuống là được. Thực ra họ không yêu cầu bạn phải in màu đâu nhưng theo mình bạn vẫn nên in màu, màu mè đẹp mà, trông sang cả cái bộ hồ sơ, các thầy xét duyệt trông cũng có thiện cảm hơn nữa. :)) À mà chứng chỉ này phải còn hạn nhé (2 năm kể từ ngày cấp).
  7. 본인 여권 사본 (Bản sao hộ chiếu của bạn)
  8. 부모님의 여권 사본 (Bản sao hộ chiếu của bố mẹ): Nếu bố mẹ không có hộ chiếu có thể thay thế bằng bản sao chứng minh thư nhân dân,thẻ căn cước.
  9. 잔액증명서 (Chứng minh tài chính): Tuỳ trường họ sẽ yêu cầu bạn cần có 1 sổ ngân hàng 10.000$, 20.000$ mở duy trì trước 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Bạn cần tìm hiểu kĩ trong 모집요강 để chủ động chuẩn bị. Chú ý giấy tờ này chỉ khi nào chuẩn bị nộp hồ sơ bạn hãy lấy vì nó chỉ có hiệu lực 1 tháng kể từ ngày lấy thôi. Trước đây thì có dịch vụ chứng minh tài chính tuy nhiên mình nghe nói từ sang năm (2020) sẽ yêu cầu tiền thật gửi vào ngân hàng Hàn Quốc nên các bạn chủ động tìm hiểu thông tin. Nếu bạn thuộc diện học bổng toàn phần thì giấy tờ này không cần thiết. Sổ ngân hàng nên để tên của bạn vì nếu để tên bố mẹ thì cần thêm giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống, giấy cam kết bảo lãnh tài chính, rồi giấy chứng minh khả năng tài chính vv...
  10. 결핵 건강검진 진단서 (Giấy khám lao phổi): Giấy này có hiệu lực trong 3 tháng nên bạn cũng nên căn thời gian đi khám. Và chỉ có giấy khám của 'viện phổi trung ương' ( 463 Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phú, Ba Đình, Hà Nội) mới có hiệu lực. Trước khi đi bạn cầm theo 4 ảnh 4x6 nhớ là mặc áo sơ mi trắng, phông nền trắng nhé. Và hồi mình làm là 1tr100k thanh toán bằng tiền mặt. Từ cổng bệnh viện bạn đi vào rẽ phải 2 lần là tới nơi. Ở đó có lối chỉ dẫn nhưng hơi khó hiểu. Không cần lấy số gì cả. Ngồi chờ trước phòng khám visa Hàn rồi khi nào họ mở cửa thì mình vào thôi. Nhớ mang theo cả chứng minh thư nữa.
  11. 학력조회동의서 (Giáy đồng ý cho trường kiểm tra thông tin của bạn): Cái này cũng có mẫu trên 모집요강 bạn chờ khi nào trường mở đơn đăng kí thì tải xuống điền vào là được.
  12. 교수추천서 (Thư giới thiệu của giáo sư): Về cơ bản đây là đơn xin thông tin giáo viên chủ nhiệm hoặc trưởng khoa của bạn. Cái này mỗi trường cũng có mẫu riêng. Bạn cần viết bằng tiếng Anh nhé. Bạn cũng nên trình bày trước với giáo sư để nhỡ đâu trường điện về kiểm tra giáo sư sẽ xác nhận thông tin giúp bạn.
         Chưa hết đâu, bây giờ mới đến phần nan giải này. Các giấy tờ bằng cấp, bảng điểm, học bạ của bạn, chứng minh thư của bố mẹ không phải cứ thế mà nộp đi được. Bạn cần hợp pháp hóa nó. Quy trình này khá rắc rối. Mình đã phải đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần vì lúc sai cái nọ lúc thiếu cái kia. Giờ mình sẽ cố gắng nhớ lại thật chi tiết cho mọi người:

  • Dịch thuật, công chứng: Mang các giấy tờ cá nhân (bằng cấp, bảng điểm, học bạ, chứng minh thư của bố mẹ,...) đi dịch thuật công chứng. Các văn phòng dịch thuật công chứng đều có thể làm cho bạn. Mỗi bản dịch sẽ khoảng 70 - 90k cho tiếng Anh, 100-150k cho tiếng Hàn tuy nhiên tốt hơn bạn nên dịch sang tiếng Anh, vừa rẻ vừa nhanh. Mỗi bản dịch lấy thêm khoảng 20k nữa. Trên thực tế mỗi 1 trường chỉ cần 1 bộ hồ sơ là được rồi nhưng bạn có thể chuẩn bị dư ra 1 bản để đề phòng bất trắc. Bạn cũng nên apply lấy 2 trường để nhỡ chẳng may có trượt 1 trường thì vẫn còn trường còn lại. Nhưng đừng vì ham hố mà rải hồ sơ hàng loạt vì phí nộp hồ sơ mỗi trường tầm 1 đến 2 triệu, chưa kể tiền hồ sơ giấy tờ, tốn lắm.
  • Xin tem lãnh sự: Sau khi dịch thuật công chứng xong bạn mang lên Cục lãnh sự (40 Trần Phú, Q.Ba Đình, Hà Nội) để xin dấu.
    Chú ý:
    - Cần mang theo bản gốc, bản dịch thuật công chứng, bản photo giấy dịch thuật công chứng, bản photo giấy tờ gốc, chứng minh thư bản gốc và bản photo theo.
    - Bạn nên đến trước 7h, nhập thông tin giấy tờ của mình vào máy, in đơn ra, cho vào cây đọc số. Nên để ý xem lúc nhét giấy vào cây thì máy báo đã nhận đơn hay chưa. Việc điền đơn yêu cầu thông tin chính xác không thì sẽ bị trả lại do đó bạn nên tham khảo mẫu điền trước rồi lên đó nhập lại cho chính xác. Sau khi máy đọc số chấp nhận bạn ngồi chờ đến khi lãnh sự họ làm việc (trên lý thuyết là 8h họ bắt đầu nhưng hồi mình làm phải tầm 8h30). Họ chỉ nhận 1 số lượng đơn nhất định nên đến tầm 10h là bạn sẽ không đăng kí được nữa. Bạn càng đến sớm thì càng có khả năng giải quyết xong xuôi trong buổi sáng, không thì phải chờ đến chiều mới tới lượt. Và chú ý kiểm tra trước trên mạng xem họ làm việc và không làm việc ngày nào. Lần mình đi họ không làm vào thứ 3.
    - Trong lúc chờ đợi hãy xếp hồ sơ của mình theo thứ tự bạn khai báo trên tờ khai. Với mỗi loại giấy tờ cũng cần xếp theo thứ tự: bản gốc - bản dịch thuật công chứng - bản photo. Nếu bạn không xếp đúng họ sẽ yêu cầu bạn ra ngoài xếp lại, phiền phức lắm.
    - Theo mình nhớ mỗi 1 tem là 30k, 1 một giấy tờ cần 1 dấu. Bạn cứ theo đó nhân lên và chuẩn bị sẵn tiền nhé.
    - Sau khi thuận lợi nộp hồ sơ rồi người ta sẽ đưa bạn giấy hẹn, khoảng 1 tuần sau thì phải. Bạn không nên tự đi lấy hồ sơ vì lại tiếp tục công cuộc lấy số, xếp hàng mệt mỏi lắm. Bạn ra quầy vnpost ở ngay trong đó gần lối ra vào đăng kí vận chuyển với họ. Nếu chuyển trong hà nội thì 50K. Ngay khi hồ sơ của bạn được gắn tem họ sẽ lấy và chuyển ngay cho bạn. Tiện lắm.
  • Xin dấu đại sứ quán: Phải thêm bước này bảng điểm và bằng cấp của bạn mới hoàn thiện được. Trước kia để lên xin dấu ở đây bạn cần lên bốc số. Thời gian bốc số là sau 3h chiều, thường thì bạn sẽ phải đi sớm hơn, thời gian hẹn lên tới vài tháng sau. Tuy nhiên lần cuối cùng mình đi thì họ hẹn sau 10 -15 ngày thôi. Mấy ngày trước đứa em đi lên họ còn kêu không cần bốc số mà lên nộp hồ sơ trực tiếp. Bạn có thể gọi điện đến đó hỏi hoặc lên trực tiếp hỏi trước. Không thì sau khi xin tem hợp pháp hóa xong thì xách thẳng lên phòng lãnh sự đại sứ quán Hàn Quốc tầng 7 tòa charmvit 117, Trần Duy Hưng, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội nộp.
    Chú ý:
    - Mang theo bảng điểm bằng cấp bản gốc, bản có tem lãnh sự, bản photo cùng chứng minh thư bản gốc + bản photo.
    - Mỗi 1 bộ hồ sơ (1 bảng điểm + 1 bằng) cần 8$. Bạn nhân lên theo số bộ hồ sơ của mình rồi chuẩn bị tiền đô trước.
    - Cần có giấy xác nhận của trường. Bạn cần về trường xin xác nhận bằng cấp. Mang theo bằng gốc và chứng minh thư về phòng hành chính của trường, các thầy cô sẽ xin xác nhận cho các bạn. Tùy từng trường công đoạn này có thể sẽ khá tốn thời gian nên bạn nên chuẩn bị song song với các giấy tờ khác, không nên chờ xong xuôi rồi mới đi. Nhớ là đại sứ quán chỉ chấp nhận giấy xác nhận của trường để trong phong bì được niêm phong và đóng dấu giáp lai bên ngoài thôi nên các bạn cần trình bày trước với giáo viên để họ chuẩn bị cho bạn.
        Xong rồi, giờ bạn chỉ cần chờ ngày hẹn lên lấy về là được. Đồng thời chờ trường mở đơn đăng kí để làm nốt các giấy tờ còn lại.

 

Bước 3: Xin visa

 Đấy là khi bạn đã có kết quả đỗ, rồi trường gửi thư mời về cho bạn. Bạn cần phải chuẩn bị giấy tờ để đi xin visa. Tùy vào trường của bạn có phải là trường 1% hay không, học bổng bạn nhận là bao nhiêu, bạn nhận học bổng của trường, của chính phủ, của giáo sư hay tổ chức mà hồ sơ sẽ khác nhau. Bạn cần tìm hiểu thông tin trên mạng trước, điện lên phòng visa hoặc lên trực tiếp đó hỏi. Bây giờ có trung tâm tiếp nhận visa rồi nên bạn sẽ không lên đại sứ quán nữa mà đến phòng đăng kí visa tại Tầng 12, Tòa nhà Discovery Complex, số 302 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. 
       Như trường hợp của mình là trường top 1% nên hồ sơ cần có:
       - Thư mời của trường.
       - Hộ chiếu gốc.
       - Giấy chứng minh số dư ngân hàng.
       - Giấy khám lao phổi. 
       - Đơn đăng kí
       Không hiểu sao giấy số dư ngân hàng nghe mọi người nói là lấy trong vòng 1 tháng nhưng giấy của mình xin từ 1 năm trước vẫn được tiếp nhận. Có thể là trong thư của nhà trường đã ghi đã xác nhận giấy chứng minh tài chính của mình, xác nhận năng lực tiếng Hàn cùng học bổng 50% cho cả 2 năm học (thạc sĩ) nên mình đã được cho qua cũng nên. Rồi giấy khám lao phổi có hiệu lực trong vòng 3 tháng. Mặc dù thời điểm mình nộp giấy bị quá mất mấy ngày rồi nhưng ơn giời mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Dù vậy vẫn khuyện các bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi làm hồ sơ tránh trường hợp giấy tờ sai sót rồi bì trì hoãn nhận visa hoặc thảm hơn là không được cấp visa.
        Ngoài ra khi nộp hồ sơ họ sẽ yêu cầu bạn viết tờ khai đăng kí. Tờ này mua ở quầy thông tin 10k/1 bản. Có hướng dẫn viết ở đó rồi nên các bạn xem viết theo là được.
        Khi đi nộp bạn cần nộp lệ phí visa (của mình là 50$, các loại visa khác nhau lệ phí khác nhau bạn nên tìm hiểu trước) và phí cho trung tâm visa 390k. Bạn có thể mang tiền Việt thôi cũng được, ở đó họ nhận tiền Việt.
        Nộp xong bạn sẽ có giấy hẹn. Giấy của mình hẹn 24 ngày sau tuy nhiên họ cũng nhắc là để ý điện thoại vì visa có thể ra sớm hơn hoặc khi hồ sơ có vấn đề họ sẽ gọi điện. Bạn cũng có thể kiểm tra thông tin trên web https://www.visa.go.kr thông qua mã số mà bạn nhận được trên tờ giấy hẹn. Trạng thái sẽ chuyển từ 접수 신청 (tiếp nhận tại phòng visa) - 접수 (đã đến đại sự quán) - 허가/불허 (Được cấp/Không được cấp). Sau khi trạng thái chuyển sang 허가/불허 sẽ có tin nhắn báo về điện thoại. Lúc ấy bạn mang theo giấy hẹn lên nhận hộ chiếu là được. Tuyệt đối không được làm mất giấy hẹn vì họ bảo rằng nếu mất giấy hẹn họ sẽ không trả lại hộ chiếu cho bạn.

P/s: Đây là kinh nghiệm của bản thân mình hồi chuẩn bị hồ sơ đi du học năm 2019. Đến thời điểm bạn đọc bài viết này có thể sẽ có chút đổi khác.
 
Thông tin bên trên có giúp ích cho bạn không? Còn gì thắc mắc hãy để lại lời nhắn tại mục bình luận nha.
 

Bình luận facebook

go top

Bạn chưa có tài khoản

Vui lòng đăng ký tài khoản theo biểu mẫu bên dưới

Các ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin

Mã bảo vệ
Đăng ký

Bạn đã có tài khoản

Vui lòng đăng ký tài khoản theo biểu mẫu bên dưới

Các ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin

Quên mật khẩu Đăng nhập

Những lợi ích khi đăng ký học tại Hannuri

Học bất cứ khi nào, ở đâu
Được đảm bảo về chất lượng
Nội dung học liên tục, xuyên suốt
Phương thức thanh toán linh hoạt